Sign In
Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 0983.953.090

Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội của người Mông Yên Bái

07/05/2019 03:11:40 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Lễ hội của người Mông thường mang tính cộng đồng và giàu tính nhân văn, tinh thần thượng võ. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian đậm bản sắc dân tộc.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông (Ảnh Internet)

1. Lễ hội Nào Sồng

Lễ hội Nào Sồng của người Mông là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Lễ hội Nào Sồng giống như một hội nghị của người Mông được tổ chức vào đầu năm nhằm đưa ra các quy định, quy ước cho công việc của cả làng, cả bản trong suốt một năm.

Lễ hội được tổ chức trên một đỉnh núi cao, bầu người chủ hội (Lùng Thầu) để điều hành công việc của năm mới. Người Mông thờ cúng là thần “Thu tỉ” (thổ địa) là vị thần bảo vệ an toàn cho con người và gia súc, quản lý thú rừng không cho phá hoại mùa màng. Thần ngự tại một gốc cây to trong rừng.

Dân làng chuẩn bị một đôi gà trống mái, con lợn và rượu để làm lễ cúng thần. Lùng Thầu thắp hương (gà, lợn còn sống) khấn cầu xin “Thu tỉ” bảo vệ con người mạnh khỏe, gia súc sinh sôi, lúa ngô tươi tốt, nhà nhà no đủ. Khấn xong mới mổ gà, giết lợn, lấy tiết gà, lợn bôi vào gốc cây hay tảng đá nơi thần ngự, rồi làm cỗ ăn uống vui vẻ. Trước khi ăn uống, các chủ gia đình ngồi bàn công việc cụ thể liên quan đến sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ mùa màng, không thả rông gia súc, không phá rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, phòng chống trộm cướp, giúp đỡ gia đình neo đơn khó khăn, đôn đốc con cháu học hành, không dính vào tệ nạn xã hội, không tái trồng cây thuốc phiện, không nghe truyền đạo trái phép, ai ai cũng phải coi trọng lệ làng phép nước.

Sau phần lễ là đến phần hội, mọi người hòa mình trong tiếng khèn, tiếng trống cùng những bài hát, điệu khèn, các trò chơi dân tộc: ném Pa Pao, nhảy tha khênh, chơi tu lú, cướp trứng, bắn nỏ, đua ngựa…

2. Lễ hội Gầu Tào

Đây là một trong những lễ hội hiếm hoi còn giữ được những giá trị truyền thống, nguyên sơ, độc đáo và đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội mở ra nhằm một trong hai mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thày cúng bói xin cho mở hội Gầu tào nhằm cầu mong có con - đó là hội cầu phúc. Một gia chủ khác bị ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu tào - đó là hội cầu mệnh. Ngay từ cuối tháng chạp, khi được thầy cúng bói xin mở hội, gia đình mở hội cầu phúc phải nhờ anh trai, chị dâu (những người có con cả trai, cả gái) chặt cây mai cao to, không cụt ngọn, ngọn dài có lá về dựng nêu. Riêng gia chủ cầu mệnh, mong mọi người trong gia đình đều được khỏe mạnh xin đuổi hết bệnh tật ốm đau, làm ăn tấn tới thì phải cử hai thanh niên khỏe mạnh trong dòng họ chặt cây mai về dựng nêu.

Lễ dựng nêu được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 29 tết. Địa điểm trồng cây nêu (cũng là địa điểm mở hội) một quả đồi gần đường đi, tương đối bằng phẳng, đánh bớt gốc cây, dọn sạch các bụi cây lúp xúp. Cây nêu được chôn ngay trên đỉnh đồi. Nếu lễ hội được chia làm ba năm (tổ chức suốt ba năm liền) thì mỗi năm chỉ dựng một cây nêu bằng cây mai. Nhưng nếu lễ hội chỉ tổ chức gộp một lần thì phải chôn dựng ba cây nêu theo hình tam giác cân ở giữa đỉnh đồi. Trên gần ngọn nêu treo 3 miếng vải lanh màu đen, trắng, đỏ khác nhau. Phía dưới sợi vải, treo lủng lẳng bầu rượu ngon và một dây tiền giấy bằng giấy bản. Khi dựng xong cây nêu, gia chủ còn làm lễ cúng ở ngay chân cột nêu mời tổ tiên các thần phù hộ cho có con, mọi thành viên đều khỏe mạnh, bằng an kế tục việc làm ăn, làm mặc theo dòng họ. Khi cây nêu được dựng lên, các làng gần, làng xa biết rằng tết năm nay sẽ mở hội Gầu Tào. Mọi người nô nức chuẩn bị dự hội.

Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức 9 ngày. Sau phần cúng khai hội của thầy cúng, mọi người cùng tham gia các cuộc thi trò chơi.

Sáng sớm ngày khai hội, mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Khắp bãi đã dựng thêm nhiều lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng. Bãi bằng nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay. Những dây ống hát được chăng lên khắp triền đồi. Nơi bắn nỏ, bắn cung, sân múa khèn, đường đua ngựa cũng được qui định và bài trí đơn giản.

Mỗi sân bãi đều đã cắt cử người quán xử (chủ sự). Gia chủ là người có quyền tối cao thống lĩnh toàn hội. Bên cạnh gia chủ, sẽ có hai đến ba trung niên hay ông già thạo đường ăn nói thay mặt gia chủ giải quyết mọi sự. Nếu gia chủ là người ít nói năng, chậm chạp thì có thể nhờ và ủy quyền cho một người thay mặt mình. Ngoài ra cần có xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay giã dần sàng) cùng với xừ quan. Tại đây khi làm những thủ tục lễ bái, hầu hết là dùng những từ hoa mỹ (pàng lỳ) thanh cao, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ (lù txà) khoa trương. Ngày nay rất ít người biết hết những câu, từ, bài sử dụng trong hội.

Khách ngoài họ, khách đường xa đến, người thì ống gạo, người thì thồ ngô, người thì hũ rượu, người xách đôi gà, ai mang đến đều phải vào làm lễ cầu chúc cho mọi người yên vui khang đường, tiếp nữa là cầu chúc cho mùa màng bội thu, lợn gà đầy chuồng, đầy sân. Chủ nhà nói lời cảm tạ và biết ơn ghi sâu lòng hiếu thảo hào phóng của khách. Khách gần khách xa, người già, người trẻ ai thích chơi trò gì thì làm đến sân ấy. Đám hội nào cũng nườm nượp. Xừ quan, quan xử cùng gia chủ và các bậc triết nhân thánh hiền, thầy mo chữ sau những cuộc đón khách trọng thể, họ công bố mở hội bằng một lễ nhẹ nhàng, rồi đến khai mạc từng đám chơi.

Đám bắn thi cung nỏ qui định tiêu điểm bằng một lá nhỏ, hiện một hột ngô, trước là tĩnh sau là động, di chuyển nhanh như chim bay hay sóc lặn bụi. Lần lượt từng người một vào bắn, có thể dàn hàng ngang bắn đồng thời, nhưng rồi vẫn phải từng người phân thắng bại. Người thiện xạ sẽ được ban tổ chức ban thưởng một bầu rượu ngon.

Đám chọi quay thu hút hết các em nhỏ và cả những người vào tuổi thanh niên. Quay to, quay nhỏ, đủ cỡ được trưng ra. Trò chơi trẻ em thì nhiều vô kể ngay cạnh bãi quay, vặn gậy, nhảy sào, mimi nào tẩu si (như trò bịt mặt bắt dê của nhiều dân tộc khác), chơi đu quay, nhảy ngựa, đánh yến, đánh cầu. Song nổi bật nhất, hào hứng nhất vẫn là trò đánh quay. Con quay làm bằng gỗ cứng: đinh, lim, chò chỉ và có 2 loại quay.

Đánh quay có 2 hình thức chủ yếu: thi quay tít và chọi quay. Đầu tiên các bạn trẻ thường thi quay tít. Một vòng tròn được vạch trên đất bằng cách vạch người đứng thi từ 5 -7m, mọi người đứng dàn hàng ngang ở vạch thi đấu, khoảng cách vừa phải để khi vung tay khỏi va chạm vào nhau. Chủ trò hô lên một tiếng, những con quay lao vút vào vòng quay phát ra những tiếng kêu vo vo, vù vù quay tít, con quay nào quay lâu nhất sẽ được mọi người trầm trồ khen ngợi. Con nào nhảy chồm chồm vượt ra khỏi vòng tròn rồi đổ lăn chiêng ra là chưa đạt, chủ nhân của nó tiu nghỉu, có khi phải đẽo lại chiếc khác. Có nơi người chủ quay còn dùng dây quất vào cạnh tròn của con quay, tạo ra một lực tiếp tuyến để nuôi quay quay được tít lâu hơn. Loại quay tròn có núm, người ta có thể hất lên cho quay trong lòng bàn tay.

Trò chơi quay bao giờ cũng thu hút được nhiều người chơi, nhiều khán giả hâm mộ. Ai có con quay trước thì phải thả ra khoảng trống trước mặt để làm mồi, con quay mồi đang nhảy nhót, quay vù vù. Một người khác vung tay lên, một con quay từ trên bổ xuống giáng mạnh vào con quay mồi. Có con quay bị giáng mạnh còn bị vỡ toác. Tiếng xuýt xoa khen ngợi nổi lên. Nếu chọi không trúng, thì con quay chọi lại phải thay thế con mồi. Thi quay, chọi quay, tạo cho cánh tay thêm rắn chắc, con mắt thêm tinh nhanh, làm cơ sở để khi đến tuổi trưởng thành, luyện tập môn võ ném quả cân xa 15 - 25m vẫn trúng đích diệt kẻ thù.

Đám múa khèn thật là trịnh trọng, được coi như môn tài tử cao sang nhất. Mọi người quây quanh người múa, buông tay, nghiêng mình kính cẩn chiêm ngưỡng những tài hoa xuất chúng. Người múa đi những đường lượn, đường vòng, nước đi, nước lùi, khi thì như con nai in trên thảm cỏ, khi thì như cơn gió mát lướt nhẹ qua rừng cây, khi thì như con công đứng chụm chân xòe cánh, lăn tròn, lộn nhào, quay tít ngón chân, chân vỗ hoặc tay vỗ chân kia... Kết thúc bài, người múa lại thổi bài mời mọc rồi người khác bước ra sân, bái chào, không để cho trang khèn bị đứt quãng. Người vừa biểu diễn xong, bước ra khỏi sân bao giờ cũng được đón những đôi chén rượu với một sự trọng vọng khâm phục đặc biệt.

Đám hát gầu plềnh, hát tình ca, đối đáp, trao duyên, hát vui hội hè thường có mặt những thanh niên trai gái đang độ thanh xuân. Họ hát để thi thố tài nghệ, và cũng nhân thể tìm hiểu nhau. Những bài hát thường là sáng tác tức thì. Đám hát không thiếu những người đã định nơi chốn bởi vì đã được luật hội cho phép và cấm kỵ không được ghen tuông, ích kỷ; hơn nữa đám hát luôn có người kiểm soát nên ai có vô ý sắp lại gần nhau sẽ có ngay chiếc gậy trúc của người kiểm soát trỏ vào giữa nhắc luật, và hai người phải dãn cách. Song nhiều chiếc gậy thường mải xem thổi khèn hoặc lử đử lừ đừ với bầu rượu nên có quên nhiệm vụ là điều dễ hiểu.

Trong đám hát, những người đã định nơi chốn thường lui tới bên những chiếc ống hát. Từ ống mai đầu này tới ống mai đầu kia cách khoảng 100 - 200m là một sợi tơ tằm vàng óng nối liền, mỗi ống bắc trên một cây cọc cao vừa tầm người đứng. Khi người đầu này hát thì người đầu kia áp tai lắng nghe, giọng hát truyền qua nguyên vẹn trên sợi dây.

Những người chơi nhị thổi sáo bịt và sáo lưỡi đồng, gẩy đàn môi thì tùy thích nhập đám hoặc chơi riêng một mình. Trên khắp các triền núi, tiếng kèn lá bay bổng vang trời gọi mời nhau. Các cụ bà cũng kéo nhau ra hội móm mém kể chuyện này chuyện nọ hoặc chăm chút lời ăn tiếng nói, bước đi đứng, nếp váy áo cho con cháu. Các cụ ông rạng rỡ mặt mày bên những mâm rượu và chủ trì cho những cuộc lễ một cách cung kính. Một ngày ba bữa ăn sắp cơm, nước đầy đủ.

Xưa kia còn có chum rượu cần to tướng, đặt ngay tại gốc cây nêu, vại to, vại nhỏ để trong những căn lều, những gốc cây, bụi cỏ có chiếc vò thì đựng rượu chua, chum thì rượu cân, có vại thì rượu nếp thơm, đều có cần, ai muốn uống bao nhiêu tùy thích (và không sợ bẩn vì nơi linh thiêng không ai dám làm bậy làm bẩn). Đêm đến, khách xa, người cao tuổi được mời về nhà gia chủ. Tại bãi hội, những đống lửa được đốt lên, mọi người tiếp tục cuộc vui. Ngày đầu tiên, sau khi làm lễ khai hội, nếu nhà thầy mo ở gần thì mọi người kéo vào nhà thầy làm lễ nhảy (đha thàng). Đám nhảy đồng thời cũng sẽ tiếp diễn cho đến hết hội. Những năm không có hội, mọi người vẫn kéo đến nhà thầy mo cùng nhảy đồng (nhảy tập thể tốp nam hoặc tốp nữ).

Hình thức, động tác nhảy rất đơn giản, một tốp nam hoặc một tốp nữ, thường là thanh, thiếu niên, đứng thành một hàng ngang trước bàn thờ. Cuộc nhảy mở đầu do thầy mo đánh chiêng. Chiêng đánh phía sau lưng tốp nhảy. Khi cả tốp nhảy đã đồng loạt run rẩy, thầy tránh ra, cả tốp cùng nhảy lùi, rồi nhảy tiến theo 4 hướng. Tiến, lùi mãi đến lúc mệt, đối với nam, lần lượt quì lạy trước bàn thờ, lạy 3 lạy theo 3 hướng. Đối với nữ thì chạy ra ngoài hoặc ra phía bếp lò. Thông thường lúc đang nhảy, có thể vồ bắt một người cùng nhảy cho vui. Cá biệt có người khi đánh chiêng, không run lên được, cứ đứng trơ ra. Thầy mo sẽ phải ra tay bằng cách đệm quẻ bói dưới chân, đốt một thẻ giấy, lấy tro hòa nước, phun vào người, khi làm những động tác ấy, đều phải khấn theo bài cúng đến phương sách ấy, buộc người đó phải nhảy, và đôi khi không thể dừng được, thầy phải khấn thì mới dừng. Đó là những người hay thích thách đố thầy.

Nhảy đồng mang tính chất của sa man giáo, dường như vô nghĩa, song thực chất ý nghĩa của nó là cầu mong sức khỏe, sinh sản, cầu mong mùa màng tốt tươi, cầu mong đất trời thuận hòa, cầu mong thần linh ma quái không gây ra những điều oan trắc. Nhảy đồng còn tựa như được thôi miên, hồn được lìa khỏi xác, khiến người được bay bổng vào cõi mơ.

Hết thời hạn hội, gia chủ làm lễ kết thúc, cây nêu được hạ xuống. Thầy mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thầy lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Gia chủ cầm bầu rượu hạ từ trên cây nêu đi theo sau thầy mo, cũng hẩy rượu ra khắp nơi. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời. Trường hợp nếu là hội cầu phúc, ông chủ hội chọn một đôi trai gái, một đôi nam nữ đứng tuổi đông con và họ hàng rước nêu về gia chủ gác ở đằng sau nhà hoặc làm giát giường mong sớm có con. Nếu mở hội cầu mệnh thì rước cây nêu đến gác ở chỗ vách đá khô ráo.

4. Lễ ăn cơm mới (Nào màu xaz)

Lễ ăn cơm mới là một nghi lễ cúng tế thần nông được tổ chức khi kết thúc một mùa vụ, nhằm cảm ơn tổ tiên, thần thánh, trời đất… đã phù hộ cho gia đình một mùa thu hoạch lúa tốt và đồng thời cầu khấn xin thần linh phù hộ cho gia đình quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người no đủ, tránh được thiên tai dịch bệnh, các thành viên trong gia đình được khỏe mạnh.

Lễ vật dâng cúng thường là các món ăn chế biến từ lợn, gà và đặc biệt là phải có cơm được nấu từ gạo mới thu hoạch. Người trực tiếp thực hành các nghi lễ cúng tế trong ngày này là ông chủ nhà.

Ngày tổ chức lễ cúng cơm mới thầy mo quyết định chọn ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian lúa chín (vụ mùa thu hoạch). Công việc đầu tiên là việc lên nương cắt lúa về để chế biến cơm cúng. Công việc này thường do bà chủ nhà đảm nhiệm.

Gia chủ chuẩn bị gà lễ, lựa chọn kỹ càng với tiêu chí gà trống to nhất chuồng, đẹp nhất, khỏe nhất được giết mổ dâng cúng ma nhà và thực hành nghi thức “thăm chân gà” tức xem chân gà để dự đoán mùa vụ năm sau của gia chủ.

Các công việc trong ngày tổ chức lễ cơm mới được phân công cụ thể như những người đàn ông thì bận rộn với công việc chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên, ma cột nhà, ma cửa nhà, ma bếp… , phụ nữ thì lo lấy lúa về nhanh chóng chế biến thành cơm ngon để dâng cúng ma.

Khi côgn việc chuẩn bị hoàn tất, mâm cúng tổ tiên được đặt giữa nhà, bàn thờ Xử Cang được dọn ra để mở đầu cho lễ ăn mừng cơm mới “Nào máu xaz”. Lễ vật gồm một nồi cơm gạo mới, một bát thịt lợn, một bát canh và hai chén rượu. Trong nồi cơm mới đồng bào cắm rất nhiều chiếc thìa ăn cơm nhỏ, theo quan niệm mỗi chiếc thìa tương ứng với một người đã qua đời của gia đình. Hương được cắm vào nơi thờ các thần bảo hộ như bàn thờ Xử cang (thần tài bảo hộ gia đình), thần cột nhà (Zề T’lăng), thần bếp lò (T’Đăng khó chùz), thần cửa (T’đăng khó trồng) (bao gồm cả thần cửa chính và hai thần cửa phụ). Kết thúc lễ cúng tại ban thờ Xử cang, là đến nghi lễ cúng tế thổ thần, thổ địa tại sân trước cửa chính của gia chủ, mâm lễ được dọn ra với lễ vật đơn giản gồm một thìa cơm cùng một miếng thịt.

Tiếp theo là đến nghi thức thăm chân gà, nó được coi là một nghi thức quan trọng trong lễ ăn cơm mới, người H’mông ở Suối Giàng cho rằng việc xem chân gà trong lễ mừng cơm mới sẽ dự đoán được vụ mùa trong năm mới của gia chủ. Để thực hiên nghi thức này chủ nhà phải có lời nhờ một cụ cao tuổi nhất trong mâm rượu xem giúp. Lý xem chân gà kết thúc, lúc này khách và chủ ăn uống tự do, mọi người cười nói uống rượu vui vẻ, khách và chủ tự nhiên giao lưu chúc tụng nhau mà không còn phụ thuộc và các lý lẽ, các nghi thức nghi lễ truyền thống.

Sau đó, mâm cơm khách được dọn ra, mọi người ăn uống vui vẻ bên mâm cơm cùng gia chủ. Vị trí ngồi ăn ở từng mâm cũng được quy định rõ ràng, thầy cúng, chủ nhà cùng các cụ cao niên ngồi ăn tại mâm cơm cúng cửa ma, khách quý được ngồi ăn tại mâm cơm cúng ngoài trời, các mâm tiếp theo được dành để mời anh em họ hàng, bà con trong bản. Điều đặc biệt ở đây xôi và cơm được nấu từ gạo mới để chuẩn bị cho lễ cúng khi ăn nếu nhà ai chưa làm lễ mừng cơm mới thì xin phép gia chủ chỉ ăn cơm nấu từ gạo cũ của năm trước, bởi họ quan niệm rằng không bao giờ được phép ăn cơm mới của nhà khác trước khi nhà mình làm lễ cúng cơm mới. Họ tin rằng nếu ăn cơm mới của gia đình khác thì gia đình mình năm sau sẽ mất mùa.

Kết thúc buổi lễ trong sự vui vẻ đón tiếp của gia chủ bữa cơm cộng cảm giữa anh em họ hàng, tình cảm láng giềng bà con thôn bản. Lễ mừng cơm mới của đồng bàn mông ở Suối Giàng là một phần những gì còn lưu giữ được trogn hành trình tìm vùng đất mới, đó chính là vốn tinh hoa văn hoá quý giá mà đồng bào Mông đã dày công gìn giữ.

2. Lễ hội cúng rừng

Lễ hội cúng rừng của đồng bào Mông thể hiện nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn thờ các vị thần suối, thần núi, thần rừng, thần cây…

Đồng thời, đây cũng là dịp nhắn nhủ mỗi người dân địa phương nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn sinh thủy phục vụ đời sống, sản xuất, cải tạo môi sinh…

Nguồn: Tổng hợp

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h