Sign In
Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 0983.953.090

Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Hướng đi mới trong phát triển sản phẩm du lịch ở Yên Bái

31/01/2018 03:10:46 Xem cỡ chữ Google
Những năm gần đây, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái tích cực tham gia để phát triển du lịch, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu.

"Bay trên mùa vàng" là hoạt động thể thao luôn thu hút đông đảo du khách khi được tổ chức tại Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Có thể nói, Yên Bái là một trong những tỉnh Tây Bắc đã thực hiện liên kết phát triển du lịch từ khá sớm. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho du lịch Yên Bái phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Từ một số mô hình hiệu quả....

Mô hình liên kết du lịch về cội nguồn được ba tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai hợp tác xây dựng năm 2005 và liên tục được đổi mới về nội dung, cách thức tổ chức. Từ năm 2011, ba tỉnh đã thống nhất xây dựng mô hình liên kết với 9 nội dung hoạt động chính, 15 nội dung phụ trợ với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khá phong phú, đặc biệt là việc tổ chức các tour, tuyến du lịch gắn với các sản phẩm du lịch độc đáo của vùng miền. 

Ba tỉnh đã khảo sát và kết nối tour chuyên đề như tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng: đền Hùng (Phú Thọ) - đền Bảo Hà - đền Thượng (Lào Cai); phát triển sản phẩm du lịch ruộng bậc thang dọc tuyến đường 32 từ Phú Thọ - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải (Yên Bái) - Sa Pa (Lào Cai) - Nguyên Dương (Vân Nam, Trung Quốc); đồng thời xây dựng các loại hình du lịch mạo hiểm như chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, tour khám phá bản làng các dân tộc thiểu số ở cả 3 tỉnh...

 Chương trình Du lịch về cội nguồn dựa trên nguyên tắc "tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi", lần lượt mỗi năm, từng tỉnh đứng ra làm trưởng nhóm tổ chức các sự kiện. Tuy nhiên, do các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái đều là thành viên chính thức của Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, nên từ năm 2013, ba tỉnh này đã thống nhất không tiếp tục chương trình mà tập trung nâng cao các hoạt động của chương trình phát triển du lịch trong khuôn khổ hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

 Năm 2008, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các nội dung quy định nguyên tắc hợp tác, phương thức hợp tác và nội dung hợp tác.

 Với sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của Dự án EU, hoạt động hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh đã tập trung vào 4 lĩnh vực chủ yếu là: cơ chế chính sách; phát triển sản phẩm; xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực. 8 tỉnh đã phối hợp tổ chức khảo sát tuyến du lịch liên tỉnh, kết hợp với tham quan các dự án du lịch bền vững và du lịch cộng đồng ở các tỉnh nhằm đánh giá tính khả thi của việc hình thành tuyến du lịch liên tỉnh vòng cung Tây Bắc.

Tăng cường hợp tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, tổ chức chương trình khảo sát và hội nghị đánh giá thực trạng, tiềm năng, giải pháp xây dựng các điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu, nhằm định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, hạn chế tính trùng lặp về sản phẩm trong hoạt động du lịch cộng đồng.

 Các tỉnh đã bước đầu hợp tác xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch theo điều kiện cụ thể và đặc trưng của từng tỉnh. Trong đó, Yên Bái tập trung phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng miền Tây tại huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; du lịch sinh thái tại hồ Thác Bà; tiếp tục phối hợp với Phú Thọ - Lào Cai phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh dọc sông Hồng.

.... Đến hướng đi mới

Yên Bái đã lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng - một loại hình du lịch còn khá mới ở Việt Nam, là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Từ sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên năm 2005 tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình với 10 hộ tham gia, đến nay sau hơn 10 năm hoạt động, du lịch cộng đồng đã phát triển rộng khắp các địa phương có tiềm năng về cảnh quan và giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh với gần 120 hộ làm du lịch cộng đồng.

Trong đó, thị xã Nghĩa Lộ có 28 cơ sở, huyện Mù Cang Chải có 30 cơ sở, huyện Yên Bình có 23 cơ sở, còn lại là các cơ sở ở huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Yên. Một số điểm du lịch cộng đồng đã trở thành những điểm du lịch cộng đồng chất lượng được nhiều địa phương trong khu vực đến tham quan và học tập, như: bản Đêu, bản Sà Rèn, thị xã Nghĩa Lộ…

 Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Yên Bái đang đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch nói chung, sản phẩm du lịch nói riêng, góp phần quan trọng giúp du khách trong nước và thế giới biết đến Yên Bái - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc với 30 dân tộc anh em cùng chung sống.

 Đó là những danh thắng nổi tiếng như: hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, vùng chè cổ thụ Suối Giàng; vùng đất ngọc Lục Yên; vùng văn hóa Mường Lò… với những sản phẩm du lịch độc đáo "Bay trên mùa vàng”, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và du lịch mạo hiểm.

 Với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch cộng đồng, tỉnh Yên Bái đã từng bước quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng vào các điểm du lịch, đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với các tỉnh trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; tiếp tục phát hiện, xây dựng nhiều điểm du lịch tại các địa phương; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ địa phương trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

 Thay lời kết

Đặt trong mối liên kết chung giữa các tỉnh và một số mô hình liên kết phát triển du lịch ở Tây Bắc thời gian qua, có thể thấy, Yên Bái là một trong những điểm nhấn kết nối không gian du lịch vùng. 

Việc lựa chọn hướng đi cho du lịch và phát triển một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh là du lịch cộng đồng sẽ góp phần tạo điều kiện cho phát triển du lịch bền vững, đem lại hiệu quả đối với đời sống của người dân địa phương, nhất là ở những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư. 

Phát triển du lịch với những cách làm đặc thù, phù hợp với điều kiện và năng lực của người dân sẽ là hướng đi tích cực, giúp Yên Bái phát triển một cách bền vững.

Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h