Sign In
Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 0983.953.090

Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Phong tục của người Mông Yên Bái

07/05/2019 03:11:37 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Phong tục của mỗi dân tộc có những nét độc đáo riêng, tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc cho cộng đồng dân tộc mình.

Đám cưới của người Mông (Ảnh Internet)

1. Đám cưới người Mông

Cùng với các dân tộc khác trong tỉnh, người Mông ở Mù Cang Chải có rất nhiều nghi lễ quan trọng, một trong số đó là nghi lễ cưới hỏi. Đám cưới của người Mông thường diễn ra sau mùa thu hoạch lúa, ngô.

Khi chàng trai thích một cô gái, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ. Nhà trai sẽ tìm một ông mối (thường là những người có uy tín trong dòng họ) để sang nhà gái làm lễ hỏi. Lễ ăn hỏi thường có rượu, gà, thuốc lá… Khi đi làm lễ hỏi, ông mối cũng không quên mang theo một chiếc ô.

Đến trước cửa nhà gái, ông mối sẽ hát một bài, ý nói rằng: Nhà trai giao cho tôi trọng trách đến hỏi con gái của gia đình về làm dâu con trong nhà, đề nghị gia đình mở cửa. Sau khi nhà gái mở cửa thì ông mối cầm chiếc ô treo lên trước cửa chính của ngôi nhà. Sau khi ông mối thưa chuyện với gia đình cô gái thì dù có đồng ý hay không đồng ý, phía gia đình cô gái cũng phải giữ nhà trai ở lại 2-3 ngày mới cho về. Nếu nhà cô gái chưa đồng ý, gia đình nhà trai sẽ phải tiếp tục đến khi nào nhà gái đồng ý mới thôi. Khi nhà gái đồng ý thì họ sẽ lấy một chiếc ghế dài để hướng ra cửa và đặt trên đó 4 chén rượu, một chiếc ô và mời nhà trai uống hết 4 chén rượu.

Nhà trai uống xong thì rót lại 4 chén rượu và mời họ nhà gái. Khi nhà gái uống hết rượu trong chén, ông mối của nhà trai sẽ xoay ngang chiếc ghế lại để khẳng định là nhà gái đã gả con gái cho gia đình mình. Người con trai sẽ phải vái lạy tổ tiên, bố mẹ và anh em trong gia đình cô gái và như thế chàng trai đã được coi cô gái là vợ của  mình. Hai bên sẽ tiếp tục uống rượu, trong bữa rượu hôm đó họ sẽ cùng chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới và dự tính đồ thách cưới như thế nào. Sau khi đã thống nhất xong, nhà trai sẽ quay về nhưng hôm đó chưa được đưa con dâu về nhà mình ngay.

Đến ngày đón dâu, cô dâu chú rể sẽ mặc trên người những bộ quần áo mới nhất và đẹp nhất. Gia đình chú rể sẽ nhờ ông mối là đại diện (đoàn đón dâu thường từ 6 - 9 người và bố mẹ chồng không được đi đón con dâu). Trong ngày đón dâu, nhà trai sẽ phải mang đầy đủ lễ vật mà gia đình cô dâu thách cưới.

Khi đoàn đón dâu đến nhà gái, ông mối sẽ hát một bài với đại ý:  Đến nhà bố mẹ nàng dâu/ Thấy nhà đóng kín cửa…./ Mới nhờ ông mối nhà gái nói với bố mẹ nàng dâu mở cửa/ Đón đoàn dâu chúng tôi vào nhà. Sau đó, ông mối của nhà gái sẽ hát đối trả lời. Khi vào đến nhà gái ông mối sẽ hát tiếp bài giao lễ vật. Gia đình cô dâu sẽ nhận và kiểm tra lại xem lễ vật có đủ như thách cưới không. Sau khi nhận xong lễ vật, nhà gái sẽ làm các thủ tục cúng tổ tiên, nhà trai nộp lễ và xin đón dâu. Mỗi thủ tục đều có các bài hát đối và mời 3 chén rượu. Sau khi làm xong các thủ tục xin dâu, hai gia đình sẽ cùng ngồi vào mâm uống  rượu, chúc mừng cô dâu, chú rể và nhà trai sẽ xin đón con dâu về nhà.

Theo phong tục của đồng bào Mông, khi đưa cô dâu về nhà chồng thì dù gần hay xa đều phải tổ chức ăn một bữa cơm ở dọc đường. Họ cho rằng bữa cơm đó là để báo với các vị thần linh là nhà trai đã được đón con gái người ta về làm dâu con trong nhà và mời các vị thần linh chứng kiến và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ chịu khó làm ăn, phát tài, sinh được nhiều con cháu. Khi đoàn đưa, đón dâu về tới nhà, cả đoàn sẽ đứng trước cửa nhà để gia đình nhà trai làm lễ nhập ma cho cô dâu, làm thủ tục báo cáo với tổ tiên, thần linh. Gia đình nhà trai sẽ mời thầy cúng đến làm lễ cho đôi trai gái chính thức thành vợ chồng. Thường thì ông thầy bói sẽ bắt một con gà trống, tay cầm thanh củi tiến hành làm ma nhập cho cô dâu, sau đó em gái của chồng sẽ dẫn cô dâu vào buồng.

Lễ cưới tại nhà trai được tổ chức trong suốt một ngày một đêm hôm ấy với những lời chúc mừng tốt đẹp dành cho đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, theo phong tục cô dâu không được ăn cơm cùng gia đình mà phải vào trong buồng ngồi, chỉ có chú rể ra tiếp khách. Mẹ chồng hoặc em chồng sẽ là người mang cơm vào buồng cho cô dâu. Trong 3 ngày đầu tiên, cô dâu có thể đi làm nương, làm rẫy, kiếm củi song không được đi chơi ở nhà người khác, kể cả quay về nhà bố mẹ đẻ.

 Trước đây, người Mông có tục kéo vợ, bắt vợ, gia đình nhà gái thách cưới cao và đám cưới thường diễn ra trong nhiều ngày rất linh đình, gây tốn kém về kinh tế của gia đình, nhiều đôi vợ chồng trẻ cưới nhau sau nhiều năm mới trả được hết nợ. Ngày nay, các chàng trai cô gái Mông đã có sự tìm hiểu, xây dựng gia đình trên cơ sở của tình yêu. Những thủ tục trong đám cưới của  người Mông vẫn được lưu giữ song đã được thực hiện một cách đơn giản hơn, góp phần tích cực vào phong trào  xây dựng đời sống văn hóa mới tại thôn, bản vùng cao.

2. Nghi lễ "Sâu khấu" của người Mông

“Sâu khấu" là Nghi lễ cúng cho cả dòng họ của người Mông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái), mang ý nghĩa cầu một năm mới bình an, hạnh phúc, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống.

Cũng như cộng đồng người Mông sống ở miền núi phía bắc, người Mông xã Chế Cu Nha có đời sống văn hoá tín ngưỡng khá phong phú, sự đa dạng ở đây được thể hiện trong từng dòng họ, từng gia đình qua cách thờ cúng, kiêng kỵ và quan niệm khác nhau về thế giới tâm linh. Người Mông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Vì thế hàng năm bà con đều tổ chức Nghi lễ “Sâu khấu”.

Nghi lễ "Sâu khấu" được tổ chức vào dịp cuối năm, thường diễn ra vào buổi tối, tùy thuộc vào mỗi dòng họ và những điều kiêng kị mà mỗi dòng họ có những ngày tổ chức khác nhau. Địa điểm tổ chức được thay đổi theo từng năm, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ một lần theo chu kỳ tuần tự từ nhà này sang nhà khác.

Theo quan niệm của người Mông, việc tổ chức lễ cúng luân phiên để mỗi nhà, mỗi gia đình có điều kiện thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, thần linh. Trước khi diễn ra nghi lễ này, gia chủ tổ chức lễ cúng có trách nhiệm thông báo trước với mọi người trong dòng họ để cùng bàn bạc, phân công, thống nhất về thời gian, địa điểm và kinh phí tổ chức nghi lễ.

Lễ vật chính trong lễ cúng là thịt lợn; gà trống 2 con để làm lễ chính đã được luộc chín, 1 con gà trống còn sống để khi thực hiện nghi lễ; giấy dó được gấp và dán quanh nơi thờ cúng, thể hiện các linh vật trong nghi lễ; chỉ 3 màu gồm: đỏ, vàng và trắng; các ống tre cùng một số lễ vật, biểu tượng khác.

Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, mâm lễ cúng đã sắp đầy đủ, những người  trong dòng họ tề tụ đông đủ cùng tham gia làm lễ cúng. Mọi người lấy tất cả số chỉ ba màu bện chặt vào nhau và nối thành sợi dây dài, những tập giấy đó cắt thành khuôn và gập, sắp xếp theo nghi lễ, tượng trưng cho những linh vật mà người Mông quan niệm để thờ cúng cho may mắn trong năm. Trưởng dòng họ (thầy cúng) với trang phục truyền thống đầu đội mũ làm bằng giấy bìa màu trắng, tay cầm thanh la, sau đó ngồi và bắt đầu làm lễ.

Thầy cúng cầm bó hương khấn cầu các hương hồn của thần núi, thần sông phù hộ cho dòng họ một năm mới mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn, tránh được tai ương… gọi các vật nuôi như gia súc, gia cầm về chuồng trại, xua đuổi những gì không may mắn của năm cũ, mọi thành viên trong dòng họ quỳ gối chắp tay lạy ba lạy khi có yêu cầu của thầy cúng. Trong quá trình làm lễ, một người đàn ông trong dòng họ được phân công phụ giúp thầy cúng, cầm 2 chân con gà trống, sau đó làm động tác đưa lên đưa xuống tạo hai cánh gà thành hai cánh quạt, quạt vào những tấm giấy dó, nếu những mảnh giấy bay đi thì là điềm lành cho năm tới, nếu những mảnh giấy dó không bay có nghĩa là năm mới sẽ không gặp may mắn.
Tiếp đến, thầy cúng sẽ gặp và làm tư tưởng để động viên mọi người không sợ đen đủi, cứ yên tâm lao động sản xuất, sống đúng đạo lý của người Mông, của dòng họ thì sẽ được thần linh, tổ tiên phù hộ.
Sau khi nghi lễ kết thúc, mọi người trong dòng họ có mặt tại nghi lễ xếp theo một vòng tròn, thầy cúng dùng những sợi chỉ màu đã được bện và nối sẵn, đi theo một vòng tròn những người trong dòng họ, cuộn chỉ đi hết đến người cuối cùng, cũng là đích của gia chủ đó sang năm đến lượt tổ chức nghi lễ. Đây là sợi chỉ ràng buộc của đồng bào Mông, thể hiện sự đoàn kết nội bộ của dòng họ.

Có thể thấy, Nghi lễ "Sâu khấu" dân tộc Mông xã Chế Cu Nha là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp.

Nguồn: Tổng hợp

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h